Hai máy cùng được nhà sản xuất quảng bá là "mãnh thú" ở phân khúc tầm trung: một chiếc rất mạnh về hiệu năng, một chiếc là "mãnh thú" về pin.
Đây là hai smartphone vừa mới bán ra thị trường Việt Nam vào tháng Ba với mức giá chênh nhau không quá nhiều. Chiếc Galaxy M31 hiện chỉ có một phiên bản với giá 6,49 triệu đồng, còn Redmi Note 9S có 2 phiên bản: bản RAM 4GB/bộ nhớ 64GB giá 5,49 triệu đồng và bản RAM 6GB/bộ nhớ 128GB giá 5,99 triệu đồng. Chiếc Redmi Note 9S chúng tôi sử dụng trong bài so sánh này là phiên bản RAM 4GB.
Liệu "mãnh thú" nhà Samsung hay Xiaomi đáng lựa chọn hơn.
Thiết kế
Hai máy có sự khác biệt rõ rệt về kích cỡ và chất liệu mặt lưng. Chiếc Note 9S có màn hình lớn hơn khá nhiều và mặt lưng bằng kính cường lực Gorilla Glass 5 giống tấm kính bảo vệ màn hình mặt trước, không phải là nhựa như chiếc Galaxy M31. Vì vậy, mặt lưng của chiếc Note 9S cho cảm nhận bóng bẩy, sang và đẹp mắt hơn. Bên cạnh đó, cụm camera sau hình "ruộng bậc thang" của chiếc Note 9S nhìn cũng "chất" hơn dù lồi lên dày hơn.
Mặt lưng của Redmi Note 9S (trái) bằng kính cường lực, còn Galaxy M31 (phải) dùng chất liệu nhựa.
Ở mặt trước, hai máy cũng có sự khác nhau về vị trí chứa camera trước: Note 9S là lỗ đục trên màn hình bắt đầu thịnh hành trong năm 2020, còn M31 là khía giọt nước quen thuộc của năm trước. Phần viền dưới màn hình của chiếc Note 9S cũng mảnh hơn một chút.
Redmi Note 9S có màn hình lỗ đục, còn M31 vẫn là khía giọt nước.
Sự khác biệt đáng kể nữa là vị trí đặt cảm biến vân tay, chiếc Note 9S đặt trên phím nguồn cạnh phải còn M31 đặt ở mặt lưng. Ngoài những khác biệt đó, hai máy có độ dày thân máy tương đồng nhau, cùng dùng cổng USB Type C, tích hợp hai SIM và khe cắm thẻ nhớ độc lập, có giắc âm thanh 3.5mm và hỗ trợ Wi-Fi hai dải tần cùng với chuẩn Bluetooth 5.
Redmi Note 9S đưa cảm biến vân tay lên cạnh, còn Galaxy M31 đặt ở mặt lưng.
Độ dày thân máy tương đồng, đều dùng cổng USB Type C và loa ngoài đơn.
Kết quả: thiết kế của Redmi Note 9S bắt trend tốt hơn, nhìn cao cấp và bóng bẩy hơn so với Galaxy M31.
Màn hình
Note 9S có màn hình lớn hơn và thiết kế lỗ đục mang lại cảm nhận thoáng đãng hơn. Kính bảo vệ trên Note 9S cũng là loại Gorilla Glass 5 với khả năng chống trầy xước tốt hơn Gorilla Glass 3 trên Galaxy M31. Về tấm nền, hai màn hình có độ phân giải tương đồng nhưng khác nhau về tấm nền, một bên là IPS LCD và một bên là Super AMOLED.
Màn hình Galaxy M31 (trên) và Note 9S (dưới)
Trên thực tế, cả hai sản phẩm đều có màn hình khá tốt so với tầm giá: sắc nét, độ sáng đủ để sử dụng tương đối thoải mái ngoài trời, góc nhìn rộng và màu sắc sinh động. Nếu soi kỹ thì màn hình của chiếc Galaxy M31 hiển thị màu đậm hơn chút do đặc trưng của tấm nền Super AMOLED và góc nhìn rộng hơn. Tuy vậy, sự khác nhau giữa hai màn hình khá nhỏ.
Chiếc Note 9S dù là tấm nền LCD nhưng cũng cho phép người dùng tùy chỉnh độ bão hòa màu theo nhu cầu. Trong khi đó, các màn hình Super AMOLED trên máy Samsung từ lâu đã có những chế độ màu sắc khác nhau và bản thân màn hình của Galaxy M31 có 2 chế độ màu: chế độ màu sinh động (đặt mặc định) đặc trưng của loại tấm nền này và chế độ màu tự nhiên tái tạo màu chuẩn hơn.
Kết quả: hai màn hình tương đồng, chênh lệch ít
Camera
Trào lưu 4 camera chính đã được "phổ cập" tới các dòng smartphone tầm trung, và Redmi Note 9s cùng Galaxy M31 đều không nằm ngoài cuộc chơi. Thiết lập camera của hai chiếc smartphone này là khá tương đồng, với sự xuất hiện của camera góc siêu rộng, camera đo sâu trường ảnh hỗ trợ xoá phông và camera macro chuyên dụng bên cạnh camera chính.
Trên giấy tờ, thông số camera của Galaxy M31 nhỉnh hơn Redmi Note 9s, đáng chú ý là camera chính, khi Galaxy M31 sử dụng cảm biến ISOCELL GW01 độ phân giải 64MP, vốn được trang bị trên Redmi Note 9 Pro Max cao cấp hơn, còn Redmi Note 9s chỉ dùng cảm biến ISOCELL GM2 độ phân giải 48MP.
Nhìn chung, khác biệt chính giữa camera của hai chiếc smartphone này đều là độ phân giải, và chúng ta đều biết rằng đó không phải là yếu tố gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hình ảnh. Có độ phân giải cao nhưng mặc định cả hai đều dùng công nghệ ghép điểm ảnh (pixel-binning) để cho ra ảnh gốc 12MP và 16MP.
Trong điều kiện đủ sáng, có thể thấy rất rõ xu hướng thuật toán của hai chiếc điện thoại. Trong khi Redmi Note 9s đẩy màu lên đậm và thiên ấm, Galaxy M31 có màu nhạt hơn và sát với thực tế hơn. Độ chi tiết của hai ảnh là tương đương, một lần nữa chứng minh độ phân giải không ảnh hưởng đến sử dụng thực tế.
Ảnh chụp ngoài trời giữa hai máy
Xu hướng ấy tiếp tục được thể hiện trong điều kiện chụp thiếu sáng, khi màu của Redmi Note 9s vẫn đậm hơn. Galaxy M31 kiểm soát ánh sáng khá tốt, giữ được nhiều chi tiết, trong khi Redmi Note 9s có dấu hiệu "hụt hơi", đặc biệt ở ảnh thứ 3 màu bệt thấy rõ, chi tiết kém.
Ảnh chụp của hai máy trong điều kiện ngược sáng, thiếu sáng
Mặc định khi xoá phông, Redmi Note 9s để khẩu độ lớn hơn giúp hậu cảnh mờ nhiều hơn, tuy nhiên nếu có nhu cầu thì cả Galaxy M31 lẫn Redmi Note 9s đều có thể thay đổi mức độ xoá phông sau khi chụp. Khả năng nhận diện chủ thể của cả hai máy là tương đương nhau, trong điều kiện ánh sáng thuận lợi ít bị lem, nhưng với nhu cầu "sống ảo" thì màu đậm của Redmi Note 9s nhìn sẽ nịnh mắt hơn.
Ảnh xóa phông Galaxy M31 (trên) và Redmi Note 9S (dưới).
Ảnh xóa phông Galaxy M31 (trái) và Redmi Note 9S (phải).
Samsung là người đi trước Xiaomi trong trào lưu camera macro, nhưng điều đó tạo điều kiện cho Xiaomi có cơ hội học hỏi và rút kinh nghiệm. Tuy có độ phân giải lớn hơn, camera macro của Galaxy M31 không có tính năng tối ưu bối cảnh và không thể chạm để lấy nét, chỉ có lấy nét cố định và người dùng phải tự căn khoảng cách với vật thể. Do đó, Redmi Note 9s cho ảnh có màu sắc bắt mắt hơn và sắc nét hơn.
Ảnh chụp từ camera macro 5MP của Galaxy M31 (trái) và Redmi Note 9S (phải)
Ảnh chụp từ camera macro của Galaxy M31 (trên) và Redmi Note 9S (dưới)
Thế trận đã "đảo chiều" với camera selfie, khi Galaxy M31 mới là cái tên cho ảnh có màu được đẩy bão hoà đậm hơn. Dù vậy, ảnh của Galaxy M31 vẫn giữ được nét tự nhiên, cho cảm giác giàu sức sống hơn, trong khi ảnh của Redmi Note 9s nhợt nhạt và "buồn". Với ảnh xoá phông, nền ảnh được xoá mịn, tách bạch khá tốt với chủ thể, lem nhẹ ở những phần khó như lọn tóc và cầu vai nhưng đó đều là điều có thể dự đoán trước với các máy trong phân khúc này.
Ảnh chụp ở chế độ thông thường từ Galaxy M31 (trên) và Redmi Note 9S (dưới)
Ảnh chụp ở chế độ thông thường, bật làm đẹp từ Galaxy M31 (trái) và Redmi Note 9S (phải).
Ảnh chụp ở chế độ xóa phông từ Galaxy M31 (trên) và Redmi Note 9S (dưới).
Kết quả: Galaxy M31 tốt hơn về gần như mọi mặt, nhưng đứng sau trong khả năng chụp macro.
Hiệu năng
Redmi Note 9s là một trong những smartphone hiếm hoi trên thị trường hiện nay sử dụng con chip tầm trung Snapdragon 720G mới nhất của Qualcomm. Sản xuất trên tiến trình 8nm, Snapdragon 720G được trang bị 2 nhân Kryo 465 Gold hiệu năng cao xung nhịp 2.3 GHz cùng 6 nhân Kryo 465 Silver tiết kiệm năng lượng xung nhịp 1.7 GHz. Các thông số khác của máy bao gồm GPU Adreno 618, RAM 4GB và bộ nhớ trong 64GB, hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ mở rộng.
Trong khi đó, Galaxy M31 tiếp tục gắn bó với con chip "cây nhà lá vườn" Exynos 9611 mà chúng ta từng thấy trên những chiếc điện thoại như Galaxy A51, Galaxy A50s. Con chip này sản xuất trên tiến trình 10nm, trang bị 4 nhân Cortex-A73 hiệu năng cao xung nhịp 2.3 GHz và 4 nhân Cortex-A53 tiết kiệm năng lượng xung nhịp 1.7 GHz. GPU của Galaxy M31 là Mali-G72 MP3, và máy sở hữu 6GB RAM cùng 128GB bộ nhớ trong, cũng hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ mở rộng.
Điểm Antutu đo hiệu năng tổng thể của thiết bị
Điểm GeekBench đo hiệu năng xử lý đơn nhân và đa nhân của CPU.
Bài đo Manhattan của ứng dụng GFXBench đo hiệu năng xử lý đồ họa của GPU ở độ phân giải thực của màn hình (onscreen) và độ phân giải mặc định Full-HD (offscreen).
Trên các ứng dụng đo hiệu năng, sự chênh lệch giữa hai máy khá rõ ràng. Chiếc Redmi Note 9S ghi điểm cao hơn nhiều ở điểm tổng thể (bài đo bằng Antutu) và nhất là ở khả năng xử lý đồ họa (bài đo bằng GFX Bench) thì sự chênh lệch lại càng lớn. Sự chênh lệch chỉ bớt đi khi so sánh về sức mạnh xử lý đơn nhân và đa nhân bằng ứng dụng GeekBench.
Điểm hiệu năng Antutu của Redmi Note 9S (trái) và Galaxy M31 (phải)
Sử dụng thực tế trong các hoạt động hằng ngày, với những ứng dụng cơ bản thì cả 2 máy đều không hơn kém nhau quá nhiều. Nhưng với những ứng dụng nặng đòi hỏi hiệu năng xử lí mạnh ví dụ như chơi game thì Redmi Note 9S cho thấy rõ về sự chênh lệch khi xử lí tốt với tốc độ và sự mượt mà trong trải nghiệm đều hơn hẳn. Đặc biệt, có một điểm trừ trên Galaxy M31 là khi sử dụng "thao tác toàn màn hình", thao tác vuốt vào khay ứng dụng (App Drawer) trên máy gặp hiện tượng bị khựng lag nhẹ, còn nếu chuyển lại qua các phím điều hướng thì thao tác trên được thực hiện hoàn toàn bình thường. Tuy vậy thì đây chỉ là một lỗi phần mềm và Samsung hoàn toàn có thể khắc phục được nó ở trong những bản cập nhật phần mềm tiếp theo.
Kết quả: Redmi Note 9S có hiệu năng mạnh hơn, song dung lượng bộ nhớ trong thấp hơn.
Thời gian pin
Galaxy M31 là "mãnh thú" về pin với dung lượng tới 6.000 mAh, lớn hơn gần 1000 mAh so với chiếc Note 9S. Ngoài viên pin lớn hơn thì Galaxy M31 còn sở hữu màn hình nhỏ hơn, tấm nền Super AMOLED tiết kiệm điện hơn IPS LCD và con chip sức mạnh xử lý thấp hơn. Đó là đều là những yếu tố giúp máy hao pin ít hơn. Chính vì vậy, không bất ngờ khi thời lượng sử dụng thực tế của Galaxy M31 cao hơn rất nhiều so với chiếc Note 9S. Tuy kém hơn "mãnh thú" Galaxy M31 nhưng Note 9S cũng là smartphone có thời lượng sử dụng khá tốt trong phân khúc.
Về thời gian sạc, Note 9S mất 2h10 phút để sạc đầy, còn Galaxy M31 mất 2h30 phút. Cả hai đều tính dựa trên củ sạc đi kèm: củ sạc Quick Charge 3.0 18W với Note 9S và củ sạc nhanh 15W (tương đương Quick Charge 2.0) với chiếc điện thoại Samsung.
Kết quả: Galaxy M31 xứng đáng biệt danh "mãnh thú" về pin.
Phần mềm
Cùng ra mắt vào năm 2020 nên không ngạc nhiên khi cả Redmi Note 9s lẫn Galaxy M31 đều được cài đặt sẵn Android 10 mới nhất ngay khi xuất xưởng. Redmi Note 9s chạy trên nền giao diện MIUI 11, trong khi Galaxy M31 là giao diện One UI Core 2.0, phiên bản rút gọn một vài tính năng của One UI 2.0.
Cả hai đều có những tính năng quan trọng như giao diện tối toàn hệ thống Dark Mode và cử chỉ điều hướng toàn màn hình. Nếu như MIUI 11 ghi điểm với rất nhiều tuỳ chỉnh, thiết lập để người dùng lựa chọn cho hợp sở thích thì One UI 2.0 có phần gọn gàng hơn. Cả hai đều cài đặt sẵn một số ứng dụng của bên thứ ba, nhưng Redmi Note 9s gỡ đi được, còn Galaxy M31 thì không vì chúng được cài đặt dưới dạng phần mềm hệ thống.
Về giá bán và chính sách bảo hành, sản phẩm của Xiaomi chiếm ưu thế lớn hơn với mức giá 5,49 triệu đồng cho phiên bản 4GB RAM/64GB bộ nhớ trong và 5,99 triệu đồng với 6GB RAM/128GB bộ nhớ trong, còn Galaxy M31 chỉ có một phiên bản 6GB RAM/128GB bộ nhớ trong giá 6,49 triệu đồng. Ngoài ra, Redmi Note 9s được bảo hành 18 tháng, trong khi Galaxy M31 là 12 tháng.
Tổng kết
Không phải ngẫu nhiên mà Galaxy M31 và Redmi Note 9s là hai trong số những chiếc điện thoại được quan tâm nhất trong phân khúc tầm trung ở thời điểm hiện tại. Chúng đã chứng minh cho người dùng thấy họ không cần phải bỏ ra số tiền "khủng" để có được những trải nghiệm tốt. Đối đầu trực tiếp, cả hai chiếc điện thoại này đều thể hiện được điểm mạnh của riêng mình.
Trong khi Redmi Note 9s ghi điểm ở thiết kế "bắt trend" hơn, giá bán và chính sách bảo hành tốt hơn, Galaxy M31 lại chiếm thế thượng phong ở chất lượng camera cùng thời lượng pin "quái vật". Việc đưa ra kết luận chiếc điện thoại nào tốt hơn sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của người dùng: bạn quan tâm đến yếu tố nào nhiều nhất trên một chiếc smartphone?
Theo : https://vnreview.vn/
HCM: | 028.223.55555 |
Hà Nội: | 024.2200.5555 |
Đà Nẵng: | 0236.656.9999 |
Dealer: | 028.66.889.888 |
Trả Góp: | 028.2211.2232 |
Phản Hồi & Góp Ý: | 097.886.1368 |
Phúc |
Mr Quỳnh |
Mr Lâm | |
Mr Kha | |
Mr Phú | |
Phúc |
Mr Quỳnh | |
Mr Lâm | |
Mr Kha |
Online | 3452 |
Lượt truy cập | |
48701400 |
Công ty TNHH một thành viên Kỹ thuật - Thương mại - Dịch vụ Bảo An
Giấy Chứng nhận Đăng kí Kinh Doanh số: 0304895546 do Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Tp HCM cấp ngày 23/3/2007
Email: BaoAnCo@gmail.com
Website: www.LaptopNo1.com - www.LaptopNo1.vn